Hội thảo nhằm mục đích phổ biến và giới thiệu những thay đổi mới về yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm của Cơ quan Quản lý an toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) và giúp cho DN xuất khẩu hàng thủy sản, thực phẩm, dược phẩm, nông lâm sản… của Việt Nam rút ngắn thời gian làm thủ tục nhập khẩu, đăng ký giấy phép, đồng thời tránh những rủi ro trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.
Ông David Lennarz, chuyên gia nhiều kinh nghiệm của Công ty Registrar cho biết, FDA đang triển khai thực hiện một số quy định mới của Luật Hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm (FSMA) với nhiều nội dung đáng chú ý.
Cụ thể, từ ngày 1/10/2012, toàn bộ các cơ sở làm hàng thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Mỹ bao gồm các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói hoặc lưu kho hàng thực phẩm để tiêu thụ tại thị trường Hoa Kỳ đều phải tiến hành thủ tục đăng ký lại/đăng ký mới với FDA để được nhận một mã số kinh doanh mới. Từ ngày 1/1/2013, FDA tiến hành kiểm tra toàn bộ các lô hàng thực phẩm xuất khẩu vào Hoa Kỳ, nếu phát hiện không có mã số kinh doanh mới hợp lệ do FDA cấp sẽ giữ hàng tại cửa khẩu hoặc bị từ chối nhận hàng, toàn bộ chi phí do người xuất khẩu chịu. “Mã số kinh doanh mới của FDA chỉ có giá trị trong 2 năm, vì vậy cứ 2 năm một lần các cơ sở làm hàng thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ phải làm thủ tục đăng ký lại để nhận mã số kinh doanh mới”, ông David Lennarz nhấn mạnh.
Hiện, trên toàn thế giới có khoảng 420.000 cơ sở đăng ký mã số với FDA với 50% các cơ sở ở ngoài Hoa Kỳ. Năm 2012, Việt Nam đã có tới 6.594 cơ sở đăng ký mã số này.
Song song với việc đăng ký mã số kinh doanh mới, người xuất khẩu cũng phải đăng ký chính thức với FDA một người đại diện tại Hoa Kỳ cho cơ sở của mình. Người đại diện tại Hoa Kỳ có thể là một người, một công ty hoặc một cơ quan có trụ sở tại Mỹ đóng vai trò là người liên lạc tại chỗ, duy trì liên lạc thông suốt với FDA 24/24 giờ, đồng thời là người phải trả lời các câu hỏi của FDA liên quan đến cơ sở làm hàng xuất khẩu và mặt hàng xuất khẩu trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của FDA.
Ông David Lennarz cũng cho biết, FDA có thể bất ngờ, ngẫu nhiên kiểm tra mẫu hàng của bất kỳ DN nào xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Trong quá trình kiểm tra, FDA đặc biệt quan tâm tới các lĩnh vực vệ sinh như an toàn nguồn nước; điều kiện vệ sinh của các bề mặt tiếp xúc với thực phẩm; duy trì nơi vệ sinh tay và các phòng vệ sinh; việc ghi nhãn, lưu trữ hàng hóa và việc sử dụng các hóa chất độc hại…
Ngoài ra, theo ông David Lennarz, một trong các lỗi mà DN Việt Nam thường mắc phải khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ là quy cách ghi nhãn thực phẩm và nguyên liệu chưa tuân thủ theo đúng quy định của FDA như: Quy cách ghi nhãn hàng không chính xác, nguyên liệu không được chấp nhận… Ông David khuyến cáo, các DN cần hết sức chú ý ghi rõ trên nhãn hàng đầy đủ thông tin về khẩu phần, danh sách nguyên liệu, những chất béo chuyển vị và chất gây dị ứng có trong sản phẩm, thông tin nhà sản xuất cũng như quốc gia xuất xứ của sản phẩm… Điều này giúp người tiêu dùng dễ dàng so sánh, phân biệt được các sản phẩm gần giống nhau./.
Theo Hoa Lê
www.ttnn.com.vn